@88903c456
Tuy nhiên, VPF xác định Bùi Tiến Dụng chủ động chơi bóng nên tính đây là bàn phản lưới. Theo luật của Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) mà V-League áp dụng, một cầu thủ chủ động chơi bóng dù cố tình hay vô ý mà khiến bóng đi vào lưới thì bàn thắng được công nhận cho đội đối phương và được ghi nhận là phản lưới nhà.
Sau khi thông tin được công bố, Tiến Linh tỏ ra thất vọng. "Buồn thật sự", tiền đạo sinh năm 1997 viết trên Facebook cá nhân. Nỗi buồn nhân đôi khi anh cùng Bình Dương thua SLNA 2-3 và bị loại ở bán kết Cup Quốc gia 2024-2025 hôm qua.
Như vậy, Tiến Linh chưa thể trở thành cầu thủ nội thứ tư giành Vua phá lưới kể từ khi giải vô địch Quốc gia mang tên V-League mùa 2000-2001. Ba cái tên trước đều là cựu tiền đạo, gồm Đặng Đạo (Khánh Hòa ghi 11 bàn mùa 2000-2001), Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn - nay là TP HCM, 9 bàn mùa 2001-2002) và Nguyễn Anh Đức (Bình Dương, 17 bàn mùa 2017).
Với 17 bàn, Anh Đức cũng là cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn nhất một mùa V-League. Xếp sau là Lê Văn Thắng (16 bàn cho Hải Phòng mùa 2016) và Tiến Linh (15 bàn mùa 2018). Tiền đạo nhập tịch lập công nhiều nhất khi đoạt Vua phá lưới là Hoàng Vũ Samson với 23 bàn mùa 2014. Trong khi đó, kỷ lục 31 bàn mùa 2023-2024 của Nguyễn Xuân Son diễn ra lúc anh chưa có quốc tịch Việt Nam.
Tính riêng tại V-League, Tiến Linh có 63 bàn. Xếp sau Nguyễn Xuân Son (65), Pape Omar (77), Gonzalo, Timothy (79), Oseni (83), Nguyễn Anh Đức (93), Antonio Carlos (95), Huỳnh Kesley Alves (98), Lê Công Vinh (116), Nguyễn Văn Quyết (121), Đỗ Merlo (147) và Hoàng Vũ Samson (223).
V-League có lần thứ năm chứng kiến hai cầu thủ đoạt Vua phá lưới. Năm 2009, Gaston Merlo (Đà Nẵng) và Lazaro (Quân khu 4 – đã giải thể) cùng ghi 15 bàn. Năm 2013, cặp tiền đạo Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) là Samson và Gonzalo ghi 14 bàn. Năm 2019, Bruno Cantanhede (Viettel, nay là Thể Công) và Pape Omar (Hà Nội) ghi 15 bàn. Năm 2020, Rimario (Hà Nội) và Pedro Paulo (Sài Gòn FC) có 12 bàn.