Ba đội V-League tranh nhau sân Hàng Đẫy
HÀ NỘILiên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quy định mỗi sân chỉ có tối đa hai đội cùng sử dụng, nhưng Hà Nội FC, Công an Hà Nội và Thể Công đều không muốn rời sân Hàng Đẫy.
Từ tháng 10/2023, theo quy định của AFC, một sân vận động chỉ được phép có nhiều nhất hai CLB sử dụng chung ở giải vô địch quốc gia. Sân Hàng Đẫy vi phạm, khi đang cùng lúc là sân nhà của ba đội dự V-League, gồm Hà Nội FC, CAHN và Thể Công. AFC đã gửi cảnh báo và dọa cắt suất dự các giải cấp CLB châu Á từ mùa 2024-2025, nếu bóng đá Việt Nam không tuân thủ.
Ngay khi nhận cảnh báo, VFF đã thông báo tới ba CLB, nhưng chưa tìm được giải pháp. Sáng nay 11/3, cuộc họp năm bên, gồm đại diện ba CLB, VFF và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) kiêm ban tổ chức V-League, được tổ chức tại trụ sở VFF. Tuy nhiên, cuộc họp sớm kết thúc chỉ sau một tiếng mà không tìm ra giải pháp.
Sân vận động Hàng Đẫy nhìn từ trên cao vào tháng 10/2018. Ảnh: Ngọc Thành
Sân vận động Hàng Đẫy nhìn từ trên cao vào tháng 10/2018. Ảnh: Ngọc Thành
Ba CLB giữ vững lập trường muốn tiếp tục thi đấu ở sân Hàng Đẫy. CAHN và Thể Công đưa ra lý do là tên tuổi lâu đời gắn bóng đá Hà Nội. Trong khi đó, không thể so sánh về lịch sử tồn tại, nhưng kể từ khi thành lập vào năm 2006 Hà Nội FC lại giành nhiều danh hiệu và cống hiến nhiều cho bóng đá thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội FC chi nhiều tiền nhất để bảo dưỡng, tu sửa sân trong gần 20 năm qua.
Phó chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết cả ba đội đều có quan điểm và lý lẽ riêng. Tuy nhiên, ông cũng phân tích việc ba đội cùng sử dụng một sân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và quyền lợi của bóng đá Việt Nam ở châu Á. "Điều tốt nhất là ba đội ngồi lại với nhau và đưa ra phương án thống nhất", ông Tú nói sau cuộc họp. "VFF đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, phát triển lâu dài và bền vững".
Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi cảnh báo: "Sân Hàng Đẫy đã xuống cấp một số hạng mục, trong đó có dàn đèn. Nếu không nâng cấp kịp thời và không đạt yêu cầu khi AFC kiểm tra chất lượng, cả ba đội cũng sẽ không được thi đấu tại đây".
Sân Hàng Đẫy hiện tại thuộc quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Tuy nhiên, ông Khôi cho biết Sở và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đều chưa có giải pháp cho việc ba CLB dùng chung sân.
Cũng trong cuộc họp sáng nay, một số phương án được đưa ra như đội nào gắn tên với thành phố Hà Nội thì được ưu tiên ở lại, hoặc đội nào có thứ bậc V-League 2023-2024 vào cuối mùa thấp nhất thì phải rời đi. Tuy nhiên, không phương án nào nhận được đồng thuận. "Chúng tôi cũng đang xin phép AFC gia hạn xử lý để ba đội có thời gian chuẩn bị", ông Khôi nói thêm.
Khu vực tầng hai khán đài B sân Hàng Đẫy không được sử dụng đón khán giả do đã xuống cấp. Ảnh: Ngọc Thành
Khu vực tầng hai khán đài B sân Hàng Đẫy đã xuống cấp, không được đón khán giả. Ảnh: Ngọc Thành
Ngoài sân Hàng Đẫy, Hà Nội còn sân Mỹ Đình đạt chuẩn tổ chức các giải quốc nội. Nhưng sân Hàng Đẫy nằm trong trung tâm và có giá thuê rẻ hơn một nửa, từ 70 triệu đến 100 triệu đồng so với từ 200 triệu đến 250 triệu đồng mỗi trận ở Mỹ Đình. Với các giải cấp AFC, sân Hàng Đẫy không đạt chuẩn, và các đội bóng tại Hà Nội buộc phải thuê sân Mỹ Đình.
Một địa điểm khác được nhắc tới là sân Hà Đông vừa được tu sửa nâng cấp năm 2022. Tuy nhiên, sân đấu này không đáp ứng nhiều tiêu chí như khán đài, phòng chức năng và không có dàn đèn. Vì vậy, CLB nào muốn sử dụng phải tự bỏ tiền để nâng cấp.
Sân Hàng Đẫy được khánh thành năm 1934, từng là sân vận động quốc gia trước khi có Mỹ Đình. Sau nhiều lần mở rộng, hiện sân đạt sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi, nhưng cũng xuống cấp khiến tầng hai khán đài B không thể sử dụng.
Năm 2018, thành phố Hà Nội cùng tập đoàn T&T từng dự kiến đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng xây dựng tổ hợp thể thao sân Hàng Đẫy, gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng. Dự án nhằm phục vụ SEA Games 31 và các hoạt động văn hóa, thể thao đỉnh cao tại thủ đô. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, nó đã không được triển khai.